Chân dung của Social Media Executive qua CV

Luôn có một người đằng sau mỗi câu chuyện của thương hiệu, lắng nghe từng phản hồi của khách hàng và kết nối tất cả với nhau thông qua một “thế giới ảo”. Đó chính là Social Media Executive hay còn gọi là Chuyên viên truyền thông mạng xã hội. Nếu bạn là một người yêu thích sáng tạo, sản xuất nội dung và hiện thực hóa những ý tưởng trên các mạng xã hội và muốn bắt đầu con đường này một cách chuyên nghiệp, thì bài viết này sẽ là cẩm nang bổ ích dành cho bạn. 

Social Media Executive là ai? 

Social Media Executive là người quản lý các kênh truyền thông xã hội, các thành viên trong đội nhóm, tham gia vào các chiến dịch truyền thông của thương hiệu. Họ thường xuyên phải tạo những nội dung để giúp thương hiệu tăng tương tác với khách hàng và đem lại doanh thu cao hơn. Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của mạng xã hội lên cuộc sống của chúng ta ngày nay, chúng len lỏi vào thời gian ta giải trí, vào lối sống và có khả năng chi phối các quyết định của chúng ta. Nắm bắt được điều này, các Social Media Executive có thể tạo ra nhiều nội dung thu hút khách hàng và làm nổi bật cá tính thương hiệu tốt hơn. 


Chăm chút kinh nghiệm làm việc 

Để được làm việc ở vị trí chuyên viên, bạn thường phải bắt đầu với công việc làm Intern (thực tập sinh) ít nhất 3-6 tháng để nắm bắt các đầu việc và hiểu thêm về thương hiệu mình phụ trách. Thông thường, những công việc mà một Social Media Executive phụ trách bao gồm: 

  • Sản xuất nội dung cho các kênh mạng xã hội 
  • Xử lý những phản hồi, bình luận của khách hàng 
  • Lên chiến dịch Marketing trên kênh mạng xã hội 
  • Báo cáo hiệu quả truyền thông 

Bởi nhà tuyển dụng sẽ luôn ưu tiên những hồ sơ với kinh nghiệm làm việc phong phú, bạn nên chuẩn bị cho mình những kỹ năng và trải nghiệm phù hợp với nội dung công việc nhất có thể. Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, những kỹ năng này có thể trau dồi từ các hoạt động ngoại khóa, các chương trình trong câu lạc bộ bạn từng đóng góp. 

Hiểu rõ tính chất công việc 

Trong quá trình nộp hồ sơ, bước quan trọng nhất là bạn phải hiểu rõ tính chất công việc, công việc này đòi hỏi kỹ năng gì và portfolio của mình có đang sở hữu những kỹ năng đó hay không. Ví dụ, việc quản trị thương hiệu trên mạng xã hội thường được chia làm hai nhánh chính: 

  • Digital marketing: tập trung vào phân tích số liệu, báo cáo và đánh giá tương tác của khách hàng với các nội dung sáng tạo của thương hiệu trên các trang truyền thông. Mảng này đòi hỏi Social Media Executive cần nắm rõ các công cụ như Google Analytic, Buffer và các kỹ năng truyền thông số khác. 
  • Content marketing: tập trung vào sản xuất nội dung, lên nội dung các chiến dịch truyền thông. Là một Social Media Executive chuyên về mảng này, bạn cần sở hữu những kỹ năng như copywriting, thiết kế trên các phần mềm Photoshop, AI, Canva và nhạy cảm với các xu hướng mới.


Chuẩn bị một “vẻ ngoài” sáng tạo 

Bước cuối cùng trong việc chuẩn bị CV nhưng lại là ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng khi đánh giá chất lượng hồ sơ của bạn. Một công việc mang tính chất sáng tạo đòi hỏi bạn chuẩn bị CV cũng có vẻ ngoài ấn tượng và thể hiện phần nào cá tính bản thân. Tập trung từ các màu sắc lựa chọn, bố cục CV và chau chuốt trong câu chữ. 

Tránh mắc những lỗi cơ bản như sai chính tả hay các đầu mục không thống nhất. Hãy nhớ rằng, dù muốn thể hiện cá tính bản thân như thế nào thì CV vẫn đòi hỏi sự chuyên nghiệp nhất định. 


Social Media Executive là một công việc đem lại nhiều hứng thú bởi sự dịch chuyển mỗi ngày. Nhưng cũng bởi vậy mà nó đòi hỏi người làm phải luôn đổi mới và cập nhật với những thông tin mới nhất. Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đã có thêm những gợi ý trước khi bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ cho công việc sắp tới.


Bạn đang làm việc trong lĩnh vực khách sạn? Chúng tôi đang tuyển dụng cho tất cả các vị trí