Bạn là sinh viên và đang tìm kiếm một công việc làm thêm phù hợp? Tham khảo ngay cơ hội tăng thêm thu nhập và những lợi ích khi lựa chọn nghề phục vụ.
Bước sang tuổi 18 và bắt đầu hành trình làm sinh viên, bạn sẽ dần có những nhu cầu về trải nghiệm, khám phá bản thân cũng như học cách sống tự lập. Và tất nhiên, kèm theo những thay đổi đó là cả những chi phí khiến bạn đau đầu. Với một sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm thì nghề phục vụ có thể trở thành công việc làm thêm phù hợp để giúp bạn tăng thu nhập. Với mức lương trung bình từ 15,000 - 20,000đ/giờ làm việc và có thể tăng theo thời gian gắn bó, phục vụ tại nhà hàng, khách sạn, quán cafe đang là lựa chọn ưu tiên số một đối với đa số sinh viên.
Ngoài việc được sắp xếp thời gian linh hoạt theo lịch học tập và sinh hoạt, sinh viên có thể kiếm thêm vào những kỳ nghỉ hè hay ngày lễ. Trong ngành F&B, những ngày lễ tết lại là dịp đông khách và là cơ hội tốt để tăng thu nhập lên gấp 2, gấp 3 ngày thường. Nếu có khả năng giao tiếp tiếng Anh, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể xin vào những nhà hàng, khách sạn có nhiều khách nước ngoài. Những khoản tiền tip rộng rãi và cơ hội học tiếng Anh miễn phí, một công đôi việc phải không bạn?
Nghề phục vụ nghe qua có thể là một vị trí nhỏ bé và kém phần “xịn xò” như những công việc khác. Nhưng chỉ có những ai gắn bó với ngành F&B mới nhận ra đây là mắt xích quan trọng trong giao tiếp với khách hàng. Người bạn gặp đầu tiên khi bước vào một nhà hàng chưa chắc là giám đốc hay quản lý, mà lại là vị trí lễ tân, phục vụ bàn.
Khi được tiếp xúc với khách hàng ở vị trí gần nhất, bạn sẽ có cơ hội thấu hiểu những mong muốn của khách hàng. Một món ăn được đem ra nhanh chóng và nóng hổi, một ly nước tặng kèm trong ngày 8/3 hay một cử chỉ ân cần dành cho các em nhỏ. Tất cả trải nghiệm đều có thể trở thành kinh nghiệm quý báu cho những sinh viên muốn tiến xa hơn trong các ngành quản trị khách sạn hay trong cả các ngành dịch vụ khác.
Kinh nghiệm là yếu tố quan trọng với ngành phục vụ nói riêng và ngành F&B nói chung, việc học và thực hành tốt những cử chỉ, thái độ cho đúng chuẩn mực không phải câu chuyện trong một hai ngày. Kỹ năng đó đòi hỏi sự rèn luyện và thời gian để rèn luyện, do đó, sinh viên bắt đầu công việc làm thêm càng sớm, thì thời gian trải nghiệm với các vị trí của bạn càng nhiều, và cơ hội thăng tiến càng gần bạn hơn.
Sau khi mạnh dạn nộp đơn xin việc vào một vị trí phục vụ, chúc mừng bạn, bạn đã thành công trong bước tạo cho mình một môi trường để rèn luyện rất nhiều kỹ năng. Thời gian tới sẽ là vô vàn bài học bổ ích dành cho bạn.
Trong môi trường dịch vụ, những tình huống bất ngờ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, thậm chí “như cơm bữa”. Bạn sẽ được luyện tập khả năng giữ bình tĩnh và tư duy nhạy bén để xử lý cùng những chia sẻ từ những đồng nghiệp, quản lý dày dặn kinh nghiệm khác. Ví dụ như khi khách hàng thấy một “vật thể lạ” (tóc, côn trùng,...) trong món ăn, bạn sẽ rối rít xin lỗi và mang ra cho khách hàng sản phẩm khác hay tặng họ phiếu giảm giá cho lần sử dụng sau? Mỗi một quyết định nhỏ đều cần được cân nhắc cẩn thận tùy thuộc vào thái độ và tập khách hàng mà bạn đang phục vụ. Và không có môi trường nào phù hợp để rèn luyện hơn là một nhà hàng với hàng trăm thực khách ra vào mỗi ngày.
Việc được tiếp xúc với những gương mặt mới mỗi ngày cũng giúp các bạn sinh viên dạn dĩ và chủ động hơn trọng mọi việc. Trải nghiệm làm phục vụ đòi hỏi bạn phải hoạt động liên tục trong một bộ máy được phối hợp nhịp nhàng. Điều này càng đúng hơn với các bạn du học sinh, khi làm việc ở môi trường quốc tế, để giao tiếp hiệu quả với khách hàng và đồng nghiệp, bạn cần phải có vốn ngoại ngữ đủ tốt. Trải nghiệm làm phục vụ trong ngành F&B vô tình đưa bạn vào môi trường giao tiếp thông dụng, đơn giản và là động lực tốt để bạn học tiếng Anh chăm chỉ hơn.
Công việc nào cũng đáng quý và nhiều bài học nếu bạn thực sự chú tâm vào nó. Mỗi bước đi là một hành trình quý báu, môi trường để học hỏi nếu chúng ta luôn cố gắng. Hy vọng bài viết này đã phần nào đem đến cái nhìn khách quan cho bạn về công việc phục vụ và những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp thời sinh viên.